Địa chỉ: 64 Bùi Thị Xuân, Phường Nghĩa Lộ, Thành phố Quảng Ngãi, Tỉnh Quảng Ngãi



CHĂM SÓC TRẺ BỊ BỆNH THỦY ĐẬU

22/02/2024 10:49 7

Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm và thường có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa xuân, bắt đầu tăng vào tháng 1, tăng mạnh, đỉnh điểm vào tháng 3 hàng năm. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh (nếu chưa có miễn dịch) nhưng mắc nhiều hơn là trẻ từ 2 đến 7 tuổi. Nếu bệnh không được phát hiện, điều trị sớm, chăm sóc đúng cách bệnh sẽ nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như sẹo trên da, viêm da, viêm tai, thậm chí là viêm màng não, viêm não…

Người là ổ chứa mầm bệnh thủy đậu duy nhất. Vi rút gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp hoặc không khí, người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi. Ngoài ra, khi tiếp xúc với người bệnh, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Lây do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết có vi rút trên các dụng cụ.

 

Bác sĩ Phạm Thị Tiết - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Bệnh khởi phát có sốt nhẹ hoặc sốt cao (39 – 40 độ C) kèm theo viêm long đường hô hấp trên (ho, chảy nước mũi), trẻ hay quấy khóc, ăn kém. Sau đó, ban xuất hiện khá nhanh, mới đầu là các nốt sẩn đỏ, xuất hiện ở vùng da đầu, gáy, bụng, lưng, ngực sau vài giờ các ban phát triển thành nốt phỏng rải rác khắp thân mình và tứ chi (rất ít khi xuất hiện ở lòng ban tay, bàn chân). Nốt phỏng có nước trong, rất nông, tròn hay bầu dục, có vòng đỏ bao quanh, mọc không theo tuần tự, làm nhiều đợt. Bóng nước xuất hiện làm nhiều đợt trên cùng một vùng da nên quan sát thấy các bóng nước ở những lứa tuổi khác nhau như: dạng phát ban, dạng bóng nước trong, bóng nước đục ...dạng đóng vảy. Niêm mạc vòm miệng, niêm mạc âm đạo (nữ giới) cũng có thể có các nốt phỏng thủy đậu. Khi các ban và nốt phỏng xuất hiện thường kèm theo ngứa. Chỉ sau khoảng từ 24 - 48 giờ, các nốt phỏng sẽ ngả sang màu vàng và vỡ ra, sau khi khỏi không để lại sẹo.

Các trường hợp bệnh thủy đậu xảy ra ở trẻ thường nhẹ, đôi khi cũng có một số biến chứng nghiêm trọng. Với trẻ đã tiêm ngừa thủy đậu sẽ ít bị mắc bệnh này hơn, vì đã có kháng thể bảo vệ hoặc nếu có mắc thì bệnh cũng sẽ không quá nghiêm trọng. Đối với trẻ chưa tiêm ngừa thủy đậu sẽ dễ mắc bệnh thủy đậu và có nguy cơ bệnh nặng hơn.

Bác sĩ Phạm Thị Tiết - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo: Khi trẻ em bị bệnh thủy đậu, phải giữ vệ sinh sạch sẽ để các bóng nước trên da không bị nhiễm trùng. Do đó, bệnh nhân vẫn phải tắm rửa và giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Tốt nhất là nên tắm bằng nước sạch đã đun sôi, khi tắm phải nhẹ tay, tránh để vỡ các bóng nước. Để trẻ nằm nghỉ không nên chạy nhảy, đi lại nhiều. Giữ ấm, rửa, thay quần áo hàng ngày. Nên để trẻ ở trong phòng kín không có gió lùa. Không cho trẻ ra nơi gió, bụi bặm vì dễ bị nhiễm trùng bóng nước và các vết gãi. Vệ sinh mắt, miệng bằng nước muối loãng hoặc thuốc nhỏ mắt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nên cho trẻ ăn đồ loãng, dễ tiêu và uống nhiều nước. Dùng thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt. Không sờ tay vào các bóng nước, cạy, gãi vì dễ bị nhiễm trùng, khi bị nhiễm trùng dễ bị để lại sẹo. Cần điều trị sớm bằng cách rửa và bôi xanh Methylen vào các vết bóng nước từ khi mới xuất hiện những bóng nước đầu tiên để tránh sẹo cho trẻ. Cần tắm cho trẻ ở nơi kín gió, bằng nước ấm, tránh kỳ cọ làm bóng nước bị vỡ và gây lây lan sang các vùng da lành. Bệnh thủy có tính chất lành tính, thường được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cũng có thể gây biến chứng ảnh hưởng tới tính mạng, nhất là đối với trường hợp thủy đậu ở trẻ em. Nếu có chỉ định điều trị tại nhà, phụ huynh cần tuân thủ theo chỉ dẫn và phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám đúng lịch./.

                                                                                                                                                                       MINH HIỀN

 

 

 

 

 

 

TIN LIÊN QUAN

Đang truy cập: -

Tổng số lượt xem: -