Địa chỉ: 64 Bùi Thị Xuân, Phường Nghĩa Lộ, Thành phố Quảng Ngãi, Tỉnh Quảng Ngãi



Giữ ấm cơ thể để đảm bảo sức khỏe trong mùa lạnh

20/01/2025 09:28 3

Với sự thay đổi thất thường của khí hậu hiện nay, không khí lạnh tràn về có thể khiến cơ thể dễ gặp các vấn đề vềsức khỏenếu không biết cách giữ ấm cơ thể hiệu quả, nhất là những người có sức đề kháng kém (trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai,...). Do vậy giữ ấm cho cơ thể là việc làm hết sức cần thiết.

Đầu và cổ được xem là hai bộ phận quan trọng của cơ thể. Chúng cần được bảo vệ đúng cách khi thời tiết trở nên rét buốt. Nhiều người thường chủ quan rằng mình đã mặc đủ ấm nên không cần phải quàng khăn hay trùm đầu khi đi ra đường. Tuy nhiên, điều này khiến cho cơ thể dễ dàng bị nhiễm lạnh và lâu dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nguyên nhân bởi vì đầu và cổ là hai bộ phận chứa rất nhiều mạch máu. Nếu chúng không được giữ ấm đúng cách, nguy cơ bị cảm lạnh, đau đầu, đau cơ, thậm chí làm suy giảm khả năng chống lại các bệnh truyền nhiễm sẽ tăng cao.

Để giữ ấm đầu và cổ hiệu quả, bạn nên đội mũ len, mặc áo khoác có mũ, đeo khăn choàng cổ, hoặc dùng khăn để trùm lên đầu nếu bạn quên mang theo mũ. Lưu ý rằng khi lựa chọn mũ để đội vào mùa đông, bạn nên mua những loại mũ len dài có thể che được tai để đảm bảo vùng đầu được giữ ấm hoàn toàn. Đối với những ngày gió lạnh, bạn nên đeo khẩu trang để hạn chế hít phải không khí lạnh, giúp bảo vệ mũi và cổ họng, đồng thời tránh các bệnh lây qua đường hô hấp.

Điều đầu tiên và cũng là điều cơ bản nhất để giữ ấm cơ thể trong mùa đông chính là mặc áo quần đủ ấm. Việc mặc quần áo phong phanh, đặc biệt là khi trời rét lạnh, có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Cơ thể không được giữ ấm đúng cách có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm phổi, đột quỵ, sốc nhiệt, làm ảnh hưởng đến hệ thống tuần hoàn máu và tình trạng sức khỏe tổng thể.

Uống nước ấm thường xuyên

Một trong những thói quen quan trọng để bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh chính là uống nước ấm thường xuyên. Nước ấm không chỉ có tác dụng giúp duy trì thân nhiệt cơ thể mà còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh do tác động của thời tiết lạnh gia tăng. 

Nhiều người có thói quen uống nước đá vào mùa đông, tuy nhiên nó lại gây ra một số vấn đề đối với sức khỏe, đặc biệt là khi chúng ta tiếp xúc với không khí lạnh bên ngoài. Nước lạnh có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, gia tăng sự co thắt mạch máu gây viêm nhiễm niêm mạc họng, từ đó dẫn đến các triệu chứng như ho, đau họng, sổ mũi, nhức đầu. Đồng thời, uống nước lạnh có thể làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa gây đau bụng, tiêu chảy do sự co thắt đường ruột.

Việc uống đủ nước cũng rất quan trọng trong mùa đông. Mặc dù bạn có thể cảm giác ít khát hơn so với mùa nắng nóng, nhưng cơ thể vẫn cần được cung cấp đủ nước để duy trì các chức năng cơ bản như tiêu hóa, trao đổi chất,... Uống ít nước có thể khiến các triệu chứng da nứt nẻ, đau đầu, mệt mỏi ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Tắm nước ấm và không tắm lâu, tắm muộn

Tắm là một việc cơ bản và thiết yếu giúp duy trì vệ sinh cá nhân mỗi ngày. Tuy nhiên, khi tắm vào mùa đông, chúng ta cần chú ý đến thời gian và nhiệt độ của nước để tránh những tác động tiêu cực đối với sức khỏe. Tắm quá lâu, quá khuya hoặc tắm nước lạnh có thể khiến cơ thể nhiễm lạnh, trúng gió, đau đầu, mệt mỏi, hoặc thậm chí có thể bị đột quỵ.

Để bảo vệ sức khỏe trong mùa đông, bạn nên tắm vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày. Nên sử dụng nước ấm để tắm, giúp kích thích tuần hoàn máu, giảm căng thẳng và làm ấm cơ thể từ bên trong.

Ngâm chân bằng nước ấm

Ngoài vùng cổ và đầu, chân cũng là một bộ phận quan trọng cần được giữ ấm đúng cách khi mùa đông đến. Bàn chân chứa rất nhiều dây thần kinh và mạch máu liên kết với các mạch máu ở tim, não và cột sống.

Một biện pháp hiệu quả để bảo vệ đôi chân trong mùa đông là thực hiện ngâm chân bằng nước ấm trước khi đi ngủ 10-15 phút. Bạn có thể sử dụng nước muối, cho thêm một ít tinh dầu thơm hoặc đun nước lá để ngâm chân. Quá trình này giúp giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc, cải thiện giấc ngủ và làm ấm cơ thể. Bạn có thể bôi thêm kem dưỡng ẩm lên da sau khi ngâm chân để ngăn chặn sự nứt nẻ vào mùa đông. 

Ăn uống đủ chất

Chế độ ăn uống đủ chất và hợp lý sẽ hỗ trợ quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn, giúp cơ thể đốt cháy calo hiệu quả. Từ đó tái tạo năng lượng và sinh nhiệt cho cơ thể để duy trì nhiệt độ ổn định, tăng cường khả năng chịu đựng trong môi trường lạnh.

Để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể vào mùa đông, bạn nên tập trung vào việc ăn đa dạng các loại thức ăn chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu nành, cá hồi, thịt,,... Ngoài ra, bạn nên ăn đồ ăn nấu chín và thưởng thức ngay khi còn nóng. Ăn các loại súp, cháo, lẩu hoặc món hầm có thể làm giảm cảm giác lạnh từ bên trong cơ thể.

Tăng cường vận động

Thời tiết mùa đông lạnh buốt có thể khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn khi ngồi một chỗ hoặc nằm trong chăn ấm thay vì phải ra ngoài tập thể dục. Tuy nhiên, việc lười vận động trong thời tiết này có thể làm suy giảm thể lực và tăng nguy cơ mắc bệnh hơn. 

Bạn nên dành ra một ít thời gian trong ngày để thực hiện những bài thể dục nhẹ nhàng, hoặc vận động tay chân để giãn cơ, tránh mắc các bệnh về xương khớp sau này. Ngoài ra, đi bộ hoặc chạy bộ khi có thời gian rảnh cũng là một hoạt động thể dục nhẹ nhàng, giúp làm ấm cơ thể và cải thiện sức khỏe tim mạch. 

Hạn chế rượu bia

Một số người thường xuyên uống rượu bia vào mùa đông do lầm tưởng rằng nó có thể giúp làm ấm cơ thể. Tuy nhiên, lối sống không lành mạnh này mang lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe nếu lạm dụng quá mức./.                                                                                                                              Kim Liên

 

TIN LIÊN QUAN

Đang truy cập: -

Tổng số lượt xem: -